views
Gia đình cho biết bà bị tăng huyết áp, đái tháo đường hơn 10 năm nay. Năm 2014 và 2019, bà bị đột quỵ não, di chứng yếu nửa người trái. Khoảng hai tháng nay, bà uống An cung mỗi ngày một viên để tránh tái phát đột quỵ, sau đó xuất hiện các triệu chứng bất thường.
Ngày 5/5, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết người bệnh được viện tuyến dưới chuyển đến, tình trạng đau chướng bụng, bí tiểu, suy hô hấp, huyết áp tụt, da niêm mạc nhợt, đi cầu ra máu.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân lạm dụng thuốc An cung dẫn đến thiếu máu, rối loạn đông máu rất nặng, sọ não xuất hiện nhiều ổ nhồi máu bán cầu não hai bên, viêm dạ dày.
Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản để kiểm soát hô hấp, thở máy, truyền hồng cầu và huyết tương tươi, dùng vitamin K1 liều cao. Một tuần sau, người bệnh tỉnh táo, hết rối loạn đông máu, tự thở, chuyển tuyến dưới điều trị tiếp.
Bác sĩ Mai cho biết An cung được truyền miệng là có tác dụng dự phòng, cấp cứu đột quỵ, nhiều người sử dụng. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của thuốc chưa được chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học. Bộ Y tế chưa có khuyến cáo nào về sử dụng thuốc An cung trong dự phòng đột quỵ não.
Một số báo cáo cho thấy thuốc an cung ngưu có chứa các chất gây rối loạn đông máu. Bệnh nhân đột quỵ do vỡ mạch máu não, uống thuốc này có thể khiến tình trạng xuất huyết nghiêm trọng hơn.
Để dự phòng đột quỵ não, bác sĩ khuyên cần kiểm soát huyết áp, mỡ máu, sử dụng thuốc chống đông theo hướng dẫn của bác sĩ và khám bệnh định kỳ. Nếu xuất hiện triệu chứng đột quỵ não như nói khó, yếu liệt vận động, phải đến bệnh viện khám và điều trị trong thời gian vàng 6 giờ kể từ khi khởi phát.
Minh An
Comments
0 comment