views
Người đàn ông 40 tuổi tắm rửa rồi ăn tối. Anh càng bực bội khi mang bát ra bồn rửa thấy chén bát bẩn vẫn ngâm đầy. ''Em làm ở công ty chưa đủ hay sao về nhà đã cắm mặt vào máy tính?", giọng Tùng gắt gỏng. Chị Thủy nói đang có việc cần xử lý gấp, mắt vẫn nhìn chằm chằm vào máy tính.
Tình cảnh này lặp lại ở gia đình anh Tùng kể từ khi chị Thủy đi làm lại sau sinh con thứ hai. Anh chồng nhiều lần trách vợ nhưng mọi chuyện chẳng có mấy thay đổi. ''Sinh đứa thứ hai xong, không chỉ ăn mặc, đầu tóc tuềnh toàng, nhà cửa cô ấy cũng để bừa bãi. Nhiều bữa nhà như bãi rác, tôi chẳng muốn về", anh Phạm Tùng nói.
Anh Tùng làm cho một công ty nước ngoài, thường đi sớm về muộn. Vợ anh là kế toán doanh nghiệp tư nhân. "Phụ nữ hiện đại nên đi làm là đúng, nhưng vẫn cần ưu tiên quán xuyến gia đình. Cắm mặt vào công việc rồi để nhà cửa, con cái như vậy khó có người đàn ông nào chấp nhận được", anh nói.
Phụ nữ Việt đang chịu gánh nặng kép, vừa đi làm lo kinh tế gia đình trong khi vẫn phải quán xuyến chu toàn việc nhà. Ảnh: Phạm Nga
Quan điểm của anh Tùng giống nhiều nam giới Việt cho rằng phụ nữ nên ưu tiên gia đình hơn phấn đấu cho sự nghiệp bất chấp trách nhiệm và đóng góp của vợ chồng với gia đình là như nhau. Khảo sát về chủ đề nam giới và nam tính của Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội (ISDS) năm 2020 cho thấy gần 93% ủng hộ quan điểm ''phụ nữ có trách nhiệm chăm sóc cho gia đình, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp của chồng".
Nhưng theo chuyên gia tâm lý, hôn nhân và gia đình Trần Kim Thành (Hà Nội), xã hội Việt Nam đang trong thời kỳ giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, gây áp lực nhiều hơn lên phụ nữ. Người vợ tham gia vào lực lượng lao động, cùng chồng lo kinh tế gia đình nhưng theo quan niệm truyền thống, họ vẫn phải là người gánh vác việc nhà, chăm sóc con cái.
Đồng quan điểm, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) cho rằng đa số đàn ông muốn vợ làm việc nhà trong khi nếu bảo chồng làm thì "100 ông có 99 ông ngại".
Kết quả nghiên cứu của ISDS củng cố thêm quan điểm của các chuyên gia. 95% đàn ông được khảo sát cho rằng làm việc nhà là giúp đỡ phụ nữ. Gần 83% nghĩ phụ nữ nên chịu đựng và hy sinh để giữ gia đình hạnh phúc.
Chị Thủy cho hay, từ khi cưới nhau, anh Tùng chưa từng chủ động phụ giúp vợ việc nhà. Chị thấy chồng bận rộn, mình về sớm hơn nên làm mọi việc. Sau khi sinh đứa thứ hai, chị nói việc nhà nhiều gấp bội, làm như một cái máy mà mãi không hết. ''Sáng cho các con ăn xong, đến lớp rồi vòng về chỗ làm, chiều lại trốn về sớm đón con cho kịp giờ, cơm nước, tắm rửa'', chị nói. Vì về sớm, tối nào chị cũng phải làm bù.
''Anh ấy ăn xong, tôi nhờ rửa hộ cái bát hay lau nhà đều kêu mệt không làm'', chị Thủy nói. Người vợ thường chỉ có thể kết thúc một ngày luộm thuộm của mình vào gần nửa đêm, khi đã dọn dẹp xong nhà cửa, cho con đi ngủ, rồi tắm rửa. Nhưng lúc đó, chồng chị đã ngủ say nên không biết vợ đã làm những gì.
Theo chuyên gia Kim Thành, hiện tượng này còn có nguyên nhân nhiều phụ nữ tự quan niệm mình phải là người làm việc nhà thay vì giao bớt trách nhiệm cho chồng. Một nghiên cứu của đại học Văn Lang từ 10/2021 đến 3/2022 cho thấy 61% phụ nữ cho rằng việc nội trợ, chăm sóc người già, trẻ nhỏ là trách nhiệm chính của người vợ.
Thủy thừa nhận mình có suy nghĩ như 61% phụ nữ trong nghiên cứu. Vài lần nhờ chồng giúp không được chị chỉ cố sức hơn. ''Bao năm qua tôi không phản ứng, giờ phản ứng có ích không?'', chị quan ngại. Hàng ngày, Thủy lo cho con đến lớp, rồi lao đi làm đến nỗi không chỉ nhà cửa bề bộn, mà đầu chị cũng không kịp chải, đến công ty check in xong mới tô son.
Tuy nhiên, chuyên gia tình cảm Lê Anh (Đồng Nai) cũng nhận thấy một phần lỗi khiến phụ nữ bị chê luộm thuộm bởi họ chưa biết cách sắp xếp cuộc sống.
Minh Hằng (30 tuổi, Thanh Hóa) cũng bị cả chồng lẫn người nhà chê luộm thuộm hơn kể từ khi sinh con thứ ba. Là giáo viên, ngày lên lớp, tối về Hằng bù đầu với giáo án và chăm ba đứa con. Vài ngày chị mới lau nhà một lần, quần áo trong tủ của người này, chị hay để lẫn sang tủ người khác.
''Có nhiều bữa tôi về muộn vì bận việc ở trường, 8h tối mới soi đèn hái rau ăn'', chị kể. Chồng Hằng làm tự do nhưng giao phó toàn bộ việc nhà cho vợ. Hằng nhiều lần yêu cầu anh giúp việc nhà. Hồi đầu, anh chồng cũng xắn tay áo phụ vợ vài việc nhưng làm gì cũng bị chê ''không nên hồn'' nên thôi.
Chuyên gia Kim Thành gợi ý, trong trường hợp cả hai vợ chồng cùng bận rộn công việc như nhà chị Thủy, hãy chủ động tìm những nguồn lực khác và sắp xếp công việc. Cả vợ và chồng nên cố gắng để mỗi ngày cả gia đình có thể ăn một bữa cơm chung, có thời gian để hỏi han, trò chuyện để biết tâm tư, tình cảm, khó khăn của người kia, cùng chia sẻ và nâng đỡ nhau kịp thời. Khi con đã lớn nên tập làm việc nhà, giảm sự bận rộn cho cha mẹ và giúp đầu óc con linh hoạt, xây dựng thói quen, kỹ năng và phẩm chất cần thiết.
Chuyên gia khuyên các bà vợ cần nói rõ với chồng về trách nhiệm phải gánh vác một phần việc nhà của họ. Phụ nữ không nên quá cầu toàn như chị Minh Hằng, đòi hỏi chồng phải hoàn hảo ngay từ đầu.
"Thay vì phán xét, chỉ trích hãy chấp nhận rằng anh ấy làm chưa tốt để hoàn thiện dần. Khi chồng làm tốt rồi thì nên khen ngợi để người chồng không còn coi đó là nghĩa vụ, trở nên vui vẻ, tình nguyện làm'', bà Thành nói.
Sau khi tham vấn chuyên gia tâm lý, Thủy hiểu vì sao mình dù bận rộn, vất vả ngày lẫn đêm vẫn luộm thuộm trong mắt chồng.
''Trước tiên, tôi phải yêu bản thân mình hơn và đề nghị chồng san sẻ gánh nặng việc nhà giống như tôi đang san sẻ gánh nặng kinh tế với anh ấy'', chị nói.
Phạm Nga
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Comments
0 comment