Những ngày dằn vặt của tài xế mải dùng điện thoại, tông chết người
Những ngày dằn vặt của tài xế mải dùng điện thoại, tông chết người
Hà Tĩnh- Hai ngày trốn chạy vì lái xe tông chết người, Nguyễn Văn Khải nhiều lần ngồi khóc một mình bởi ám ảnh hiện trường, rồi quyết định ra đầu thú.

"Tôi đã lái cuộc đời mình vào nhà tù vì thói quen xấu sử dụng điện thoại lướt mạng trong lúc lái xe. Bây giờ có biện hộ gì đi chăng nữa thì cũng quá sai, mạng người đã mất không bao giờ có thể lấy lại được. Sai lầm lần này là bài học đắt giá cho nhiều tài xế", Nguyễn Văn Khải, 26 tuổi, nói tại phiên xử mở tại TAND huyện Cẩm Xuyên hồi trung tuần tháng 4.

Theo cáo trạng, Khải có giấy phép lái xe hạng C, nhân viên hợp đồng của doanh nghiệp có trụ sở ở Hà Nội. Ngày 12/12/2022, Khải cùng anh Phạm Văn Kỳ, 32 tuổi, lái ôtô chở hàng thư báo đi từ TP HCM về Nam Định, luân phiên đổi lái. Tối cùng ngày, khi qua quốc lộ 1 thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, do mải sử dụng điện thoại khi lái xe, Khải không để ý nên tông trúng anh Nguyễn Hữu Vị, 49 tuổi, đang đạp xe chạy cùng chiều phía trước.

Nghe tiếng va chạm, Khải bấm cửa kính ngước mặt ra quan sát thì thấy ôtô đã tông trúng anh Vị nên đánh lái sang trái rồi điều khiển phương tiện chạy bình thường, không dừng lại báo cơ quan chức năng đến giải quyết.

Nhà chức trách cáo buộc, đi được vài trăm mét, Khải quay lại hiện trường, dù biết nạn nhân đã tử vong song vẫn bỏ đi. Lúc đến đường tránh tại huyện Thạch Hà, Khải dừng xe kiểm tra, thấy bên phải vỡ ba-đờ-sốc, cụm đèn pha bị tụt vào trong nên dùng tay chỉnh lại. Đến Nghệ An, Khải gọi anh Kỳ dậy đổi lái rồi ra sau giường trong cabin nằm, không kể lại vụ tai nạn vừa xảy ra.

Bị cáo Khải tại tòa. Ảnh: Hùng Lê

Khoảng 8h ngày 14/12/2022, xe chở hàng đến Nam Định, hai tài xế nghỉ vài tiếng rồi bốc chuyến hàng mới để chở vào TP HCM. Sáng hôm sau, khi xe chạy qua Quảng Nam, Khải kể cho anh Kỳ biết việc gây tai nạn chết người, rồi nhờ đồng nghiệp lái ôtô chở hàng đến nơi tập kết, còn mình bắt xe khách quay trở lại Hà Tĩnh, tới trụ sở Công an huyện Cẩm Xuyên đầu thú.

Vẻ khúm núm, chống hai tay vào bàn, Khải khai là con thứ hai trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Sông Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Tốt nghiệp lớp 9 không học lên THPT mà đi làm thuê, đủ 18 tuổi thì đi học bằng lái xe hạng C, đến nay đã có kinh nghiệm làm tài xế xe tải khoảng 5 năm. Bị cáo luôn tự nhủ làm việc chăm chỉ để tích góp tiền sau này cưới vợ và lo cho tương lai. "Nhưng vụ tai nạn vừa qua đã khiến dự định ấy dang dở", Khải nói, lấy tay lau nước mắt.

Bị cáo cho hay quá trình hành nghề thì không tránh khỏi rủi ro, thỉnh thoảng đi trên đường có va chạm nhưng tự khắc phục được. Tuy nhiên việc gây tai nạn chết người là ngoài ý muốn, chưa bao giờ chuẩn bị sẵn tâm lý cho tình huống xấu này. Vì thế lúc thấy anh Vị bất động thì "nỗi sợ đã lấn át lý trí, lưỡng lự giữa việc đưa nạn nhân đi bệnh viện rồi trình báo công an" hay là rời hiện trường để trốn tránh trách nhiệm. Cuối cùng, tài xế này chọn phương án hai.

Khải cho rằng lựa chọn bỏ trốn là sai lầm lớn bởi từ đó về sau phải đối mặt với sự giằng xé nội tâm khủng khiếp. Lúc xe đến Nghệ An, dù đổi lái cho đồng nghiệp để nằm nghỉ, bị cáo không thể chợp mắt, luôn bị ám ảnh bởi tình trạng của nạn nhân.

Sáng hôm sau, khi xe tới Nam Định, đồng nghiệp Kỳ về nhà ngủ, Khải ngồi khóc một mình trên cabin. Tới bữa ăn, cầm bát cơm nhưng nuốt không trôi, bạn bè và người thân gọi điện đến thì đều nói qua loa rồi bảo bận việc. "Khi bốc gói hàng, bị cáo cũng cảm thấy nặng gấp chục lần so với những hôm trước, dù trọng lượng bằng nhau", Khải khai tại phiên tòa.

Bị cáo Khải (góc trái) ra đầu thú hồi tháng 12/2022. Ảnh: Công an cung cấp

"Hai ngày trốn chạy, cảm giác dài đằng đẵng hàng năm", Khải nói. Chủ tọa hỏi: "Giả sử lúc vừa gây tai nạn, bị cáo quay lại quan sát thấy nạn nhân chưa tử vong thì có đưa đi cấp cứu không?". Khải cúi đầu nói: "Lúc đó không đủ tỉnh táo để đưa ra quyết định sáng suốt, cảm thấy bản thân quá ích kỷ vì sợ liên đới pháp luật".

"Nếu nạn nhân còn sống, có lẽ bị cáo cũng sẽ bỏ mặc họ giữa đường", chủ tọa truy vấn. Lần này Khải im lặng, lí nhí nói "bị cáo sai rồi".

Đại diện gia đình bị hại cho hay trước đó từng suy nghĩ sẽ không tha thứ cho hành động nhẫn tâm của Khải. Tuy nhiên, sau đó Khải và người thân đã nhận lỗi, khắc phục hậu quả 130 triệu đồng. Họ cảm nhận được sự chân thành nên có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phần trình bày sau cùng, Khải nói do sự chủ quan cùng thói quen dùng điện thoại làm việc riêng trong lúc lái xe đã khiến bản thân đánh mất đi sự tự do, làm cho bố mẹ khổ tâm, tương lai mình chìm trong bất định. Khải gửi lời xin lỗi gia đình nạn nhân, mong tòa giảm nhẹ một phần hình phạt để sớm trở về làm lại cuộc đời.

Đại diện Viện kiểm sát lập luận, các vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày càng nhiều, khiến các gia đình mất đi người thân, nhiều trường hợp đang khỏe mạnh bỗng chốc bị tàn tật. Tuy nhiên một bộ phận tài xế vẫn xem nhẹ, chủ quan khi lái xe, lúc gây ra hậu quả rồi mới hối hận thì đã muộn. Vụ án là lời cảnh tỉnh chung, để những ai cầm vô lăng hãy biết lái xe bằng trách nhiệm và sự tận tâm.

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, bỏ trốn sau khi gây tai nạn để trốn tránh trách nhiệm nên phạt 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khải được hưởng một số tình tiết khoan hồng do ăn năn thành khẩn, chủ động đầu thú và bồi thường khắc phục hậu quả.

Nhận bản án, Khải lặng người vài giây, thất thần đi theo cảnh sát. Đến giữa sân tòa, nhìn ra thấy chiếc xe tải chở hàng lao vút trên quốc lộ 1, bị cáo lại khóc.

Đức Hùng

Comments

https://blogplus.org/assets/images/user-avatar-s.jpg

0 comment

Write the first comment for this!