Nhiều đại học đào tạo cử nhân trong 3 năm
Nhiều đại học đào tạo cử nhân trong 3 năm
Nhiều trường đại học ở Việt Nam đào tạo chương trình cử nhân trong 3 năm thay vì 4 năm như trước, giúp sinh viên có lợi thế khi xin việc.

Từ năm học 2023-2024, Đại học Đại Nam (Hà Nội) rút ngắn thời gian đào tạo khối ngành Kinh tế - Kinh doanh từ 4 xuống 3 năm với mỗi năm 3 học kỳ. Một số ngành thuộc khối Khoa học xã hội của trường cũng đào tạo trong 3 năm gồm Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Truyền thông đa phương tiện, Quan hệ công chúng. Trừ Y khoa, các ngành khác được rút ngắn thời gian từ nửa năm đến một năm.

Tại TP HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành đã đào tạo nhiều chuyên ngành trong 3 năm từ năm 2018, như Thanh nhạc, Piano, Quan hệ quốc tế, Tâm lý học, Việt Nam học, Quan hệ báo chí, Quản trị kinh doanh, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán.

Trường Đại học Gia Định đào tạo tất cả 45 chuyên ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kinh tế - Quản trị, Khoa học xã hội - Ngôn ngữ, Truyền thông số, trong 3 năm, từ 2017 đến nay. Hiện, trường đã có hai lứa sinh viên tốt nghiệp.

Các đại học khẳng định rút ngắn thời gian so với tiến độ thông thường không có nghĩa là cắt xén cơ học thời lượng mà là sắp xếp lại chương trình, nội dung đào tạo để phù hợp và có lợi cho sinh viên.

Sinh viên Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội trong một giờ học tại phòng thí nghiệm, năm 2022. Ảnh: USTH

Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng phê duyệt tháng 10/2016, chương trình đào tạo đại học trong 3-5 năm học tập trung, giảm so với mức 4-6 năm theo quy định từ năm 1993.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó lý giải "điều chỉnh này giúp hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học".

Thực tế ở Việt Nam thời điểm đó, một số trường đã đào tạo và cấp bằng cử nhân trong ba năm như trường Đại học Anh Quốc Việt Nam, RMIT Việt Nam hay trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - Truyền thông, trường Đại học Gia Định, cho biết thời lượng các ngành đào tạo giảm từ 4 năm trước kia xuống còn 3 năm nhưng vẫn đảm bảo 8 học kỳ với 120 tín chỉ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, năm đầu có hai học kỳ, chủ yếu học các môn đại cương. Hai năm sau, mỗi năm sinh viên có ba học kỳ, đi sâu vào các môn chuyên ngành, đồng thời dành thời gian đến doanh nghiệp, học hỏi từ thực tế để có thể làm được việc ngay sau khi ra trường.

"Thay vì nghỉ hè dài như chương trình 4 năm, sinh viên học 3 năm nghỉ ngắn hơn, sau đó ra trường sớm", ông Toàn nói.

Còn tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hải Đăng, lý giải 16 ngành học bậc cử nhân đều đào tạo trong 3 năm vì theo tiến trình Bologna. Hơn 40 nước châu Âu ký kết tiến trình này, công nhận tín chỉ, bằng cấp lẫn nhau.

So với chương trình đào tạo chuẩn ở Việt Nam, đào tạo 3 năm theo tiến trình Bologna có một số khác biệt, chẳng hạn về số tín chỉ. Với chương trình thông thường trong 4 năm, sinh viên học khoảng 140 tín chỉ nhưng ở USTH, sinh viên học 180 tín chỉ, tức thời gian ngắn hơn nhưng khối lượng học tập nhiều hơn.

Một năm học vẫn chia làm hai học kỳ nhưng sinh viên thường phải học cả sáng lẫn chiều chứ không chỉ học một buổi như ở hầu hết đại học hiện nay.

"Việc này khiến sinh viên áp lực hơn nhưng khi ra trường, các em quen với áp lực rồi nên khả năng thích nghi với môi trường làm việc tốt hơn", ông Đăng nhìn nhận.

Theo ông Đăng và ông Toàn, chương trình đào tạo chỉ còn 3 năm giúp sinh viên giảm chi phí sinh hoạt, học tập, đồng thời tiết kiệm được thời gian học, có lợi thế khi tìm việc.

Tại Đại học Gia Định, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 93,7%, số còn lại tìm cơ hội khác hoặc học tiếp. Còn tại trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, con số này năm ngoái là hơn 98%.

Ông Toàn cho hay trong các buổi tư vấn tuyển sinh, phụ huynh và học sinh đặc biệt quan tâm đến chương trình đào tạo 3 năm. Thời gian đào tạo ngắn được đánh giá là điểm hút sinh viên đăng ký vào trường.

Dù vậy, các chuyên gia nhận định không phải chương trình đào tạo nào cũng có thể rút ngắn. Chẳng hạn với ngành đào tạo bác sĩ như Y khoa hay Răng - Hàm - Mặt, thời gian đào tạo ở tất cả đại học là 6 năm. Với các ngành khối kỹ thuật, cấp bằng kỹ sư, thời gian đào tạo hầu hết vẫn là 5 năm.

Tuy nhiên, với hình thức đào tạo tín chỉ hiện nay, sinh viên các trường đại học được đăng ký môn tuỳ theo năng lực của mình. Do đó, hàng năm vẫn có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp sớm, đặc biệt ở các trường khối ngành Kinh doanh - Kinh tế và Khoa học xã hội nhân văn.

Như tại Đại học Quốc gia Hà Nội, số sinh viên tốt nghiệp sớm từ 3 tháng đến một năm tăng dần hàng năm, từ 135 vào năm 2019 lên thành 204 vào năm 2021. Tại trường Đại học Kinh tế quốc dân, sinh viên ra trường sớm năm 2022 đạt 4%, tăng 2% so với năm 2021.

Các trường đại học đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp sớm thường được doanh nghiệp đánh giá cao bởi sự năng động và khả năng học tập tốt.

Dương Tâm

Comments

https://blogplus.org/assets/images/user-avatar-s.jpg

0 comment

Write the first comment for this!