views
Mới đây, thông tin về Thẩm Thi Quân, 25 tuổi, vừa ký hợp đồng giảng dạy ba năm tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ khiến nhiều người Trung Quốc phấn khích. Chàng trai này từng gây ngạc nhiên cho nhiều người khi vào đại học từ năm 9 tuổi và lấy bằng tiến sĩ năm 18 tuổi.
Năm 2005, Thẩm Thi Quân nhập học lớp một ở Hong Kong. Cậu bé nhanh chóng hoàn thành chương trình tiểu học và học hết chương trình trung học cơ sở vào dịp nghỉ hè dưới sự hướng dẫn của bố. Năm 2007, cậu bé trở nên nổi tiếng khi hoàn thành chương trình A-level ở Anh (Chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao được thế giới công nhận) và được ca tụng là thần đồng. Với điểm tuyệt đối ở hai môn Toán và Toán cao cấp, Thẩm Thi Quân trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất của Đại học Baptist Hong Kong năm 2008, khi mới 9 tuổi.
Trường đại học này sau đó phải thiết kế một chương trình giảng dạy riêng cho cậu bé, với ba năm đại học cùng hai năm thạc sĩ. Đến năm 18 tuổi, cậu đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Texas A&M (Mỹ) rồi đến Đại học California với tư cách là giáo viên thỉnh giảng.
Thẩm Thi Quân năm 9 tuổi cùng bố nhập học Đại học Baptist Hong Kong năm 2008. Ảnh: superlife.ca
Khi nói đến tài năng của Thẩm Thi Quân không thể không nhắc tới người cha ông Thẩm Chấn Hùng.
Ông Hùng cho biết, Thẩm Thi Quân không phải là đứa trẻ xuất chúng ngay từ khi sinh ra, bản chất cậu bé là nghịch ngợm, hiếu động giống nhiều trẻ khác.
Để rèn luyện thói quen đọc sách cho con, khi cậu bé 5 tuổi, Thẩm Chấn Hùng quyết định bỏ sở thích xem TV, dành thời gian kèm con trai đọc và tư duy. Khi mới bắt đầu học cùng bố, Thi Quân thường xuyên trốn ra ngoài đọc truyện tranh hoặc chơi với bạn bè. Để rèn sự tập trung cho con, người cha yêu cầu cậu bé đọc to các đoạn văn trong 10 phút đến 20 phút thậm chí cả tiếng.
Với một cậu bé 5 tuổi, đọc hết một câu chuyện dài là không thể. Người cha kết hợp những trường hợp có thật ngoài cuộc sống với những câu chuyện kinh điển. Ví dụ, khi kể chuyện Thỏ và Rùa, ông giải thích cho con nội dung muốn truyền tải ở câu chuyện là người kiêu ngạo chắc chắn sẽ bị đánh bại, chỉ có kiên trì mới đến đích. Ông cũng không quên kể chuyện Newton khám phá ra lực hấp dẫn để khuyến khích con sáng tạo và khám phá.
Việc theo sát con khiến kỹ năng đọc và suy nghĩ của Thi Quân có bước nhảy vọt. Cậu bé 5 tuổi khi đó bắt đầu thể hiện tài năng đáng kinh ngạc. Khi học lớp một, ngày đầu tiên Thi Quân đã đọc hết sách ngữ văn, ngày thứ hai học hết sách Toán, ngày thứ ba học hết các môn còn lại. Những tiết học tiếp theo, cậu không tuân theo quy trình giảng dạy của giáo viên mà đọc sách giáo khoa lớp hai, lớp ba rồi đến lớp 5.
Giáo viên chủ nhiệm gọi ông Thẩm đến trường, nói gay gắt: "Tốt nhất nên cho trẻ học từng bước và nằm lòng những kiến thức cơ bản". Nhưng người cha không đồng ý, bởi cho rằng, việc cưỡng ép hay ngăn cản trẻ chỉ khiến chúng chán học.
Ông Thẩm Chấn Hùng bên cuốn sách viết về con trai mình. Ảnh: superlife.ca
Một lần, ông Thẩm đưa Thi Quân đến Đại học Oxford để tham gia lớp học toán và yêu cầu viết ra tất cả các công thức mà giáo sư sử dụng trong bài giảng, nhưng con trai không thể nhớ hết. Để tăng thêm hứng thú cho con, ông ra điều kiện: "Nếu con kiên trì ghi lại những công thức mà giáo sư trích dẫn, cuối tuần bố đưa con đi dã ngoại".
Theo thời gian, Thi Quân cũng cảm thấy mệt mỏi với việc học thuộc lòng các công thức.
Nhằm giải tỏa áp lực cho con, ông đưa cậu bé đi du lịch. Một lần thấy con trai tựa đầu vào cửa ô tô, tập trung đếm xe cộ trên đường cao tốc, người cha cho rằng con trai có hứng thú với những điều mới lạ.
Từ đó, ông thường đố con quan sát cá vàng thổi ra bao nhiêu bong bóng trong khoảng thời gian nhất định, chớp mắt bao nhiêu lần trong vòng một giờ. Ông thay đổi nhiều câu hỏi khác nhau để thu hút sự chú ý của cậu bé.
Người cha cho rằng để con cái học hành tiến bộ, ngoài sự quan sát và thay đổi phương pháp thường xuyên, bố mẹ nên dồn mọi nguồn lực để đồng hành và hỗ trợ con.
Hai bố con Thẩm Chấn Hùng và Thẩm Thi Quân khi cậu vừa tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ năm 18 tuổi. Ảnh: sohu
Khi Thi Quân đang học Đại học Baptist Hong Kong, cậu bé mất 45 phút di chuyển. Đầu tiên bắt xe buýt rồi tàu điện ngầm, sau đó phải đi bộ thêm 15 phút mới tới được trường. Những năm đầu, người cha tìm việc gần chỗ con học để hỗ trợ cậu bé, sau này ông nghỉ việc toàn thời gian, kiếm công việc parttime để đi cùng. Khi nhiều người hỏi điều này có đáng không, ông Thẩm trả lời. "Tại sao những đứa trẻ xuất sắc hiếm khi thành công? Bởi vì trẻ có thể gặp nhiều vấn đề trên đường đi, nhưng cha mẹ không nhận ra điều đó".
Nhiều năm qua, ông Thẩm vẫn duy trì thói quen nói chuyện với con ít nhất 15 phút mỗi ngày. Đây là khoảng thời gian hai cha con giao tiếp, bố đặt câu hỏi để buộc con phải suy nghĩ. Nhiều người nghĩ như vậy thật lãng phí thời gian nhưng bản thân ông thấy rất quan trọng. Bởi nếu không hỏi, trẻ sẽ không suy nghĩ và việc học vì thế sẽ chậm lại.
Người cha này cũng cho hay, hiện ở Trung Quốc có nhiều phụ huynh giao phó trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường và các trung tâm luyện thi. Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lực bên ngoài là lý do dẫn đến tình trạng học thụ động, học vì điểm số.
"Hãy đồng hành cùng trẻ để khám phá động lực bên trong chúng. Động lực học tập thực sự quan trọng hơn chỉ số IQ rất nhiều", ông nêu quan điểm.
Trang Vy
(Theo 163, sohu)
Comments
0 comment