Hơn 100 nhà khoa học thảo luận vật lý hạt nhân không bền
Hơn 100 nhà khoa học thảo luận vật lý hạt nhân không bền
Kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân được các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu chia sẻ tại hội thảo diễn ra trong năm ngày, từ 4-8/5.

Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền (ISPUN) lần thứ 6 do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân tổ chức tại Phú Quốc, thu hút hơn 100 đại biểu là các nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu trẻ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và thế giới.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định đánh giá ISPUN23 đã quy tụ nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới, trong đó có các nhà khoa học trẻ từ cộng đồng vật lý hạt nhân quốc tế. Thứ trưởng cho biết, nghiên cứu cơ bản trong vật lý hạt nhân được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như khoa học sức khỏe, công nghệ vật liệu mới, môi trường, góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế, xã hội.

Ông đánh giá cao sự đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học thông qua hội thảo và mong muốn đây là nền tảng tốt để trao đổi các ý tưởng và kết quả nghiên cứu mới nhất. "Hội nghị cũng là cơ hội tốt để chuyên gia chia sẻ, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo, qua đó khuyến khích cộng đồng vật lý hạt nhân Việt Nam đóng góp tích cực vào sự phát triển của công nghệ hạt nhân trong nước và khu vực", Thứ trưởng Định nói.

Các nhà khoa học tham gia Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền lần thứ 6. Ảnh: Vinatom

TS Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết hội thảo là sự kiện quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, triển khai vật lý hạt nhân cơ bản, nhằm trao đổi những kết quả nghiên cứu, ứng dụng mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh về những đóng góp quan trọng cho cộng đồng vật lý hạt nhân từ GS Đào Tiến Khoa, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, và GS Nicolas Alamanos, Viện Năng lượng Nguyên tử Pháp, những người ra ý tưởng và trực tiếp tham gia tổ chức loạt hội thảo ISPUN thành công.

Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền lần thứ 6 đã chọn được 93 báo cáo. Đây là các tham luận, báo cáo về triển vọng của các thiết bị, dự án khoa học mang tính tiên phong tại các trung tâm nghiên cứu hạt nhân trên thế giới, được các nhà khoa học, chuyên gia thế giới chia sẻ. Trong đó có thể kể đến như GS Hiroyoshi Sakurai, từ RIKEN, Nhật Bản, trình bày tổng quan về thành tựu và kế hoạch tại RIBF. GS Hervé Savajols đến từ Pháp, chia sẻ những điểm nổi bật của trang thiết bị tại GANIL/SPIRAL2. Các thiết bị nghiên cứu hạt nhân lớn cũng được các GS Haik Simon từ GSI Darmstadt, Đức, GS Klaus Spohr, Rumani hay GS Wenlong Zhan đến từ Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc chia sẻ.

GS Seung-Won Hong sẽ thông tin về trang thiết bị tại RAON, Hàn Quốc. GS Tomohiro Uesaka chia sẻ về các nghiên cứu phản ứng bứt nucleon trong các hạt nhân hình thành từ nhiều cụm nucleon, hay GS Vandana Nanal của TIFR Mumbai nói về các trang thiết bị nghiên cứu vật lý hạt nhân tại Ấn độ. Một bài báo cáo về Phòng thí nghiệm iThemba mở ra một kỷ nguyên mới cho Châu phi trong lĩnh vực khoa học cơ bản và ứng dụng trên cơ sở máy gia tốc được GS Rudolph Nchodu trình bày.

GS Hiroyoshi Sakurai đến từ RIKEN (Nhật Bản) trình bày báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Vinatom

Những thành tựu mới nhất đạt được trong những năm qua cũng được các nhà khoa học chia sẻ tại hội nghị, như nghiên cứu thực nghiệm về cấu trúc của hạt nhân không bền, sự tiến hóa lớp vỏ của hạt nhân giáp danh đường bền, cấu trúc từ các cụm hạt nhân và của hạt nhân siêu nặng. Các nghiên cứu về phản ứng hạt nhân trực tiếp gây ra bởi cả chùm hạt bền và không bền; phản ứng hạt nhân ở vùng năng lượng vật lý thiên văn, tổng hợp hạt nhân và tốc độ phản ứng nhiệt hạch của hệ các hạt ion nhẹ trong quá trình tiến hóa sao hay các thiết bị thực nghiệm nghiên cứu hạt nhân.

Như Quỳnh

Comments

https://blogplus.org/assets/images/user-avatar-s.jpg

0 comment

Write the first comment for this!