views
Chị Bình, 37 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội nói bản thân thấy nhẹ nhõm khi nghe tin thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể được giảm 2% năm nay. Năm ngoái, nhờ chính sách này được áp dụng, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm khoảng 300.000-400.000 đồng.
"Vài trăm nghìn lúc bình thường không đáng kể, nhưng bối cảnh kinh tế khó khăn, công ty nào cũng ngấp nghé cắt giảm nhân sự, lương thưởng, một đồng cất đi được cũng quý", chị nói.
Suy nghĩ của chị Bình cũng là mục đích hướng đến của cơ quan chức năng khi đưa ra chính sách giảm thuế này. Theo đó, nhằm giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, Chính phủ đã đề nghị xây dựng dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% về 8%. Dự thảo Nghị quyết được đề xuất thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn và trình Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp vào tháng 5 này.
Khác với các loại thuế khác, VAT có đặc điểm quan trọng là gánh nặng thuế được chia sẻ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nên khi giảm, cả hai đối tượng này sẽ cùng được hưởng lợi.
Người dân mua rau ở khu chợ tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tuy không được hưởng lợi trực tiếp, việc thuế VAT giảm mang lại tác động gián tiếp với họ khi tâm lý tiêu dùng, mua sắm của người dân được cải thiện hơn.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Công ty cổ phần thực phẩm GC Food, nhận xét chính sách trên thực chất là giảm giá bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng đầu cuối. "Chúng tôi không được hưởng lợi về mặt thuế, nhưng do người mua thấy giá bán hàng giảm nên mua nhiều hơn từ đó tăng doanh thu, lợi nhuận", ông nói. Năm 2022, nhờ thuế VAT giảm, GC Food đã có sự phát triển hậu đại dịch với doanh thu tăng 29% so với năm 2021.
Tương tự, quản lý một chuỗi bán thực phẩm tươi sống có hơn 20 cửa hàng tại TP HCM đánh giá việc giảm VAT sẽ mang lại tác động lớn về tâm lý. Nếu doanh nghiệp biết tận dụng sẽ phần nào kích thích khách hàng mua sắm nhiều hơn.
Theo người này, năm ngoái khi chính sách giảm thuế tương tự được đưa ra, những ngày đầu, nhiều khách tỏ ra không mặn mà khi thấy giá hàng giảm vài nghìn, thậm chí chỉ là vài trăm đồng. Tuy nhiên, nhân viên chuỗi khi xuất hóa đơn thường nhấn mạnh tổng số tiền khách được giảm bao nhiêu nhờ giảm thuế VAT.
"Dù số tiền giảm ít hay nhiều, chúng tôi cũng muốn khéo léo giúp khách hàng cảm nhận họ đang được hỗ trợ, dần dần giúp tâm lý mua sắm của họ thoải mái hơn trong giai đoạn khó khăn", quản lý chuỗi thực phẩm này chia sẻ.
Đại diện cho giới doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói hoàn toàn đồng tình với việc giảm 2% thuế VAT. "Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và những biến động vĩ mô hiện nay tại Việt Nam, việc sử dụng chính sách tài khoá mang tính phổ cập như giảm thuế giá trị gia tăng là rất phù hợp", VCCI cho biết.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đề xuất giảm VAT đồng loạt 2% cũng tạo nhiều thuận lợi hơn. Ở lần giảm thuế trước, việc chỉ giảm thuế với một số mặt hàng khiến doanh nghiệp kê khai, nộp thuế rất phức tạp. Các doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan rơi vào trạng thái lo ngại nếu xác định không đúng mặt hàng được giảm sẽ tạo nguy cơ bị xử phạt, kỷ luật sau này.
Nói với VnExpress, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhìn nhận VAT là công cụ tốt để hỗ trợ cho nền kinh tế lúc này. Loại thuế trên nhằm kích cầu, đặc biệt là cầu tiêu dùng nội địa.
"Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng của Việt Nam giảm tốc trong quý I là nhu cầu từ nước ngoài suy giảm. Nhu cầu trong nước có tăng nhưng chưa đủ bù đắp. Do đó, nếu có biện pháp giúp tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tăng mạnh sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế năm nay", ông phân tích.
Giảm thuế VAT cũng giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Như vậy, chính sách này một mặt hỗ trợ tăng trưởng từ sản xuất, tiêu dùng; mặt khác duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ông Bình nhìn nhận, việc giảm VAT "ngắt quãng" trong 5 tháng vừa qua là một điều đáng tiếc. "Nếu chúng ta thực hiện giảm thuế này từ đầu năm, tức nối tiếp của 2022 thì ảnh hưởng của nó với kinh tế sẽ tốt hơn", ông nói.
Tương tự, TS Phạm Thị Thanh Xuân (Đại học kinh tế - Luật TP HCM) đồng tình khi nói quyết định giảm thuế lúc này giống như "đang tháo gỡ tình thế" mà lẽ ra có thể là "chính sách đón đầu tuyệt vời".
Dù vậy, bà đánh giá việc giảm thuế VAT lúc này chắc chắn mang lại tác động không nhỏ. Mức giảm 2 điểm phần trăm là có ý nghĩa vì nó ảnh hưởng đến thu nhập thực của người dân. Do lạm phát cao, thu nhập thực của người dân khá thấp, khiến 2 điểm phần trăm là số nhiều so với mức thu nhập này.
Tuy nhiên, để chính sách này thực sự phát huy được tác dụng kích cầu, theo bà Xuân, cần có chính sách ổn định giá toàn quốc để tránh chuyện giảm thuế một đồng mà giá cả lại tăng 2 đồng. Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng và trợ lực cho doanh nghiệp, cần kết hợp với chính sách hoãn thuế. Cùng với đó, đẩy nhanh xử lý hồ sơ hoàn thuế còn tồn đọng để giải phóng dòng tiền cho doanh nghiệp. Công tác truyền thông cho người tiêu dùng cũng cần làm mạnh và nhanh để tăng hiệu ứng.
Trong khi đó, CEO Loship Nguyễn Hoàng Trung cho rằng cần mở rộng việc giảm thuế đến cả những lĩnh vực khác ngoài sản xuất và bán lẻ. Do 90% hoạt động kinh doanh của Loship nằm trong lĩnh vực công nghệ (giao đồ ăn và giao hàng) nên doanh nghiệp không được hưởng lợi từ chính sách giảm VAT. Doanh nghiệp này chỉ tiết kiệm được một phần chi phí nhờ thuế suất giảm ở mảng thương mại bán hàng.
"Các ngành công nghệ và thương mại điện tử đóng góp rất nhiều và là một trong những động lực cốt lõi cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Chính sách ưu đãi thuế mở rộng sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ cũng như kinh tế số", ông chia sẻ.
Nói thêm, ông Lê Duy Bình cho rằng một mình chính sách giảm thuế VAT là không đủ. "Để vực dậy nền kinh tế, Việt Nam sẽ phải dùng nhiều biện pháp mà mỗi thứ đóng góp một phần cho tăng trưởng. Giờ phải chắt chịu cơ hội, nguồn lực chứ không kỳ vọng một cái gì có thể xoay chuyển tình hình", ông Lê Duy Bình nhìn nhận.
Tất Đạt - Đức Minh - Viễn Thông
Comments
0 comment