views
Đọc bài viết "Phú Quốc ế khách vì 'giá cả trên trời'", tôi rất đồng cảm với chia sẻ của các độc giả về chất lượng du lịch tại hòn đảo từng được mệnh danh là "đảo ngọc" này. Thời gian qua, người làm du lịch nói nhiều đến câu chuyện giá vé máy bay tăng cao làm ảnh hưởng đến nhiều địa phương du lịch, trong đó có Phú Quốc - nơi mà máy bay vốn được coi là phương tiện di chuyển chính tới đây.
Tôi từng có dịp đến Phú Quốc lần đầu vào năm 2018 theo dạng đi tour và vừa quay lại mảnh đất này vào tháng 2 theo dạng du lịch tự túc. Thực tế, giá vé máy bay khứ hồi đến Phú Quốc hiện tại khá cao nếu so với mặt bằng chung những năm trước. Nhưng tôi vẫn chấp nhận vì từ nơi tôi ở phải bay hai chặng mới đến được Phú Quốc.
Vốn được mệnh danh là "đảo ngọc", nhưng sau 5 năm quay lại Phú Quốc, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt tôi vẫn là thành phố ngập trong rác, rác thải xuất hiện ở khắp nơi. Buổi sáng, khi di chuyển bằng xe máy trên đường, mùi xú uế của nước rác vương vãi bên đường là nỗi ám ảnh với tôi tới tận mãi về sau. Đi ra bờ biển cũng không khá hơn là mấy khi sóng cứ dập dìu từng cơn đánh rác vào bãi cát.
Cá nhân tôi cho rằng, vệ sinh môi trường vẫn luôn là vấn đề lớn nhất đối với Phú Quốc. Bởi đây là thứ đầu tiên mà du khách nhìn thấy tận mắt khi đặt chân tới mảnh đất này. Khi ấn tượng đầu tiên đã không tốt, cảm giác mất vệ sinh ở khắp nơi ghé qua, tất cả những nỗ lực ghi điểm khác của người làm du lịch ở Phú Quốc cũng trở nên vô nghĩa.
>> Du lịch mất khách vì tư tưởng 'chặt chém một lần rồi thôi'
Nói về câu chuyện "giá cả trên trời" như phản ánh của nhiều người, tôi cũng hoàn toàn đồng tình. Phải nói chi phí lưu trú (phòng khách sạn, resort) và ăn uống (hải sản và các món ăn đặc sản địa phương) ở đây đắt đỏ theo đúng nghĩa đen. Đành rằng vì ở đảo nên vật giá có cao hơn trong đất liền do hạn chế nguồn cung, nhưng đắt tới mức vô lý mà chất lượng phục vụ không tương xứng thì quả là khó có thể chấp nhận được.
Suốt 5 ngày đi dạo vòng quanh đảo, tôi chỉ bắt gặp được đúng hai vườn rau: một nằm trong Khu du lịch Hòn Thơm, và một vườn trồng khổ qua ven đường. Tuyệt nhiên, tôi không thấy người dân địa phương tập trung gieo trồng hay chăn nuôi nhỏ nào trên đảo. Vậy nên, giá bán cho khách đắt như vậy cũng là điều dễ hiểu.
Bằng kinh nghiệm lê la ít ỏi của mình, tôi may mắn tiếp cận được với những địa điểm du lịch "không chạy quảng cáo", ít người biết đến. Trải nghiệm các dịch vụ như vậy, tôi mới nhận ra trên đảo vẫn có các điểm đến bình dân, từ cơm nước, tới hải sản... chứ không phải chỗ nào cũng chặt chém, đắt đỏ. Thế nhưng đấy chỉ là những điểm sáng rất nhỏ nhoi trong cả một bức tranh du lịch nhiều gam màu tối của Phú Quốc. Và vì không được quảng bá rộng rãi nên cũng không phải khách du lịch nào cũng có thể tìm được những điểm đến đáng giá như vậy.
Tổng kết lại chuyến đi 5 ngày đến Phú Quốc, có lẽ điểm đến dễ chịu nhất và đáng đến nhất theo cảm nhận của tôi là Chùa Hộ Quốc. Ít nhất thì ở đây, tất cả đều miễn phí, bạn hoàn toàn có thể thăm thú mà không cần phải chi tiêu gì. Có điều, kể cả bạn có muốn chi tiêu nhiều thì cũng chẳng có dịch vụ gì tại chùa cả. Với những trải nghiệm như thế, tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu người muốn quay lại Phú Quốc thêm một lần nữa?
Đúng như dự báo ,tỉnh Kiên Giang nói chung và TP Phú Quốc nói riêng đã trải qua một kỳ nghỉ lễ có lượng khách và doanh thu sụt giảm. Trong 5 ngày, tổng khách toàn tỉnh ước đạt gần 265.000 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022, tổng thu từ du lịch đạt trên 210 tỷ đồng, giảm 14,8%. Riêng Phú Quốc đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5 % so với cùng kỳ, tổng thu từ dịch vụ du lịch khoảng 132,5 tỷ đồng, giảm 24%.
Nguyen Dang Giang
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Comments
0 comment