views
Chiến dịch tấn công nhiều tháng của Nga nhằm kiểm soát thành phố Bakhmut, miền đông Ukraine, phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner. Nhưng Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo tổ chức này, đe dọa sẽ rút lực lượng khỏi Bakhmut từ ngày 10/5 do không được Bộ Quốc phòng Nga cấp đủ đạn dược.
Trong video đăng trên Telegram hôm 5/5, lãnh đạo Wagner cho biết quyết định rút quân được đưa ra nhằm "ngăn các tay súng thiệt mạng vô nghĩa do thiếu đạn dược", khẳng định "lỗi hoàn toàn thuộc về Bộ Quốc phòng Nga".
Trùm Wagner tuyên bố sắp rút quân khỏi BakhmutLãnh đạo Wagner chỉ trích các quan chức quốc phòng Nga trong video đăng hôm 5/5. Video: Telegram/concordgroup_official
Theo giới quan sát, nếu Wagner thực sự rút quân và bàn giao lại chiến trường cho quân đội Nga, động thái này có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường Bakhmut, một trong những điểm nóng giao tranh khốc liệt nhất kể từ khi xung đột bùng phát đến nay.
Một số chuyên gia quân sự phương Tây từng thúc giục Ukraine từ bỏ Bakhmut với lý do thành phố này có ít giá trị chiến lược và cái giá phải trả cho việc bảo vệ nó quá lớn. Tuy nhiên, nếu lực lượng Wagner rút lui, quyết định cố thủ Bakhmut của Ukraine có thể sẽ được đền đáp.
"Tôi thực sự tin rằng Ukraine đã đúng khi bám trụ Bakhmut và chiến đấu", Rajan Menon, học giả chuyên nghiên cứu về Nga và Á - Âu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, cho hay.
Wagner đóng vai trò mũi nhọn trong chiến dịch tấn công Bakhmut, trong khi các đơn vị chính quy Nga chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ tuyến sau và hai bên sườn, ngăn lực lượng Ukraine đánh vu hồi.
Lãnh đạo Wagner đã nhiều lần bất đồng với Bộ Quốc phòng Nga, khi lực lượng "lính đánh thuê" này hứng chịu tổn thất nặng nề. Bởi vậy, chuyên gia Menon tin rằng nếu Prigozhin thực hiện kế hoạch rút lính của mình ra khỏi khu vực giao tranh, quân đội chính quy Nga có thể đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo Menon, trận chiến Wagner trên thực tế được chia thành hai chiến trường có liên quan mật thiết đến nhau. Lực lượng Wagner đảm nhận vai trò tiến công trong đô thị, đánh chiếm từng căn nhà, góc phố, trong khi các đơn vị chính quy Nga chiến đấu ở các ngôi làng, cánh đồng ngoại ô, nhằm tìm cách cắt đường tiếp tế của quân đội Ukraine cố thủ trong Bakhmut.
Lực lượng Wagner chủ yếu được tuyển mộ từ các nhà tù trên khắp nước Nga, không có kỹ năng chiến đấu như lính chính quy Nga, nhưng có lợi thế về quân số. Wagner sử dụng các tay súng từng là phạm nhân làm lực lượng tiên phong, liên tục dồn ép quân đội Ukraine bằng những đợt tấn công liên tiếp, buộc đối phương phải lui dần về phía tây Bakhmut.
Sau khi Wagner chiếm lĩnh thế trận, quân chính quy Nga sẽ tiếp quản các khu vực vừa chiếm được, củng cố trận địa, đồng thời thúc giục các tay súng đánh thuê tiếp tục tiến lên.
Chiến thuật này đã được Nga áp dụng nhiều tuần qua ở Bakhmut, giúp giảm đáng kể thương vong với lực lượng tinh nhuệ Nga, nhưng đổi lại Wagner phải hứng chịu thiệt hại nặng nề về nhân mạng. Nhà Trắng ước tính hơn 10.000 lính Wagner đã thiệt mạng ở Bakhmut trong vài tháng qua.
Bởi vậy, nếu Wagner rút quân, Nga sẽ phải nhanh chóng điều lực lượng tinh nhuệ tới lấp chỗ trống và sẽ không thể tiếp tục cách tiến công nhiều rủi ro như trước đây.
Thượng tướng Ramzan Kadyrov, lãnh đạo Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, ngày 5/5 tuyên bố trung đoàn đặc biệt Akhmat của ông sẽ thay thế Wagner nếu lực lượng này rút khỏi Bakhmut. Tuy nhiên, trung đoàn Akhmat của ông Kadyrov chỉ có vài nghìn quân được triển khai tới Ukraine, khó thay thế được lực lượng khoảng 50.000 người của Wagner.
Bởi vậy, Menon tin rằng quyết định rút quân nếu được Prigozhin thực hiện sẽ làm thay đổi đáng kể thế trận ở Bakhmut, bởi đà tiến trong đô thị sẽ bị suy yếu và Nga trong thời gian ngắn khó có thể huy động được lực lượng đủ lớn để lấp chỗ trống.
Yohann Michel, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trụ sở ở Anh, nhận định quân đội Nga sẽ không muốn tung toàn bộ lực lượng dự bị đang có để tiếp quản các vị trí của Wagner ở Bakhmut. "Điều đó đồng nghĩa chiến dịch tiến công Bakhmut của Nga sẽ chấm dứt", ông nói.
Khi đó, Ukraine sẽ ngăn Nga giành một thắng lợi mang cả ý nghĩa biểu tượng lẫn chiến thuật, điều mà Moskva rất muốn đạt được vào Ngày Chiến thắng 9/5.
Pháo binh Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga gần Bakhmut hôm 13/4. Ảnh: Reuters
Theo Marina Miron, học giả từ Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Hoàng gia London, Anh, việc Wagner rút quân còn tạo cơ hội để Ukraine phát động chiến dịch phản công ngay lập tức, khởi đầu tại Bakhmut, nơi các vị trí phòng thủ của Nga bị suy yếu đáng kể.
"Với tất cả những gì đang diễn ra, cố thủ ở Bakhmut nhiều khả năng là quyết định đúng đắn của Ukraine, nếu họ có thể tận dụng nó", Miron cho hay, lưu ý rằng đánh giá này dựa trên giả định Wagner rút quân và Kiev sẽ điều động thêm lực lượng để giành lại thành phố.
Ukraine đã dành nhiều tháng qua chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn nhằm giành lại những phần lãnh thổ mà Moskva đang kiểm soát ở miền đông và miền nam đất nước. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước thông báo Kiev đã nhận được gần 1.800 xe bọc thép và xe tăng từ các đối tác phương Tây để chuẩn bị cho đợt phản công.
Tuy nhiên, nhà phân tích Michel cũng bày tỏ thận trọng với tính toán thực sự của lãnh đạo Wagner khi tuyên bố rút quân khỏi Bakhmut. Theo ông, lời đe dọa này có thể là chiêu để Prigozhin không bị đổ lỗi vì không chiếm được Bakhmut nhanh như kỳ vọng.
Các nhà phân tích quân sự Ukraine cũng cho rằng Nga có thể thể hiện mình suy yếu, thiếu đoàn kết nội bộ và bày ra cái bẫy "rút quân khỏi Bakhmut" để dụ Kiev hấp tấp phản công vào những vị trí mà Moskva phòng thủ tốt.
"Rất có thể sẽ chẳng có tay súng nào rút khỏi Bakhmut cả", đại tá Petro Chernyk, nhà bình luận quân sự Ukraine, nói.
Serhiy Cherevaty, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, cũng hoài nghi tuyên bố thiếu đạn của Prigozhin, bởi lực lượng Nga vẫn bắn phá dữ dội tại Bakhmut. "Kêu ca về tình trạng thiếu đạn chỉ là cách Wagner biện minh cho những thất bại của họ trên chiến trường", ông nói.
Vị trí thành phố Bakhmut, tỉnh Donetsk. Đồ họa: RYV
Apty Alaudinov, chỉ huy đơn vị đặc nhiệm Akhmat kiêm Phó tư lệnh Quân đoàn 2 của Nga, tuyên bố Moskva vẫn có đủ đạn dược cho các chiến dịch phòng thủ và tấn công tại Ukraine.
"Giữa xung đột, không bao giờ có đủ mọi thứ. Không thể nói rằng chúng ta có nhiều đạn, nhưng chúng vẫn đủ để ta bảo vệ vững chắc cũng như tiến công mỗi ngày", ông nói trên kênh truyền hình Rossiya-24 tối 5/5, sau tối hậu thư từ lãnh đạo Wagner.
Vũ Hoàng (Theo Business Insider, AP, TASS)
Comments
0 comment